I. Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của Ngày Thương binh -
Liệt sỹ
1. Hoàn cảnh ra đời
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công,
nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một
lần nữa. Với tinh thần quật cường, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng,
giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống
lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống
thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh, cống hiến xương máu,
sức lực trên các chiến trường. Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước
nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thấu hiểu sâu sắc giá trị
của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đối với
đất nước, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dành tất cả tình thương
yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương
hoặc hy sinh.
Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra
đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác,
sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng
Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Hội.
Chiều ngày 28/5/1946, tại Nhà hát Lớn Hà
Nội, Tổng Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện
quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị
thương tùy theo điều kiện của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự.
Sau đó, nhiều chương trình quyên góp, ủng
hộ bộ đội được phát động, đáng chú ý nhất là cuộc vận động "Mùa đông binh
sỹ". Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban vận động đã họp phát
động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sỹ. Chiều ngày 17/11/1946, tại Nhà
hát Lớn Hà Nội, Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong “Mùa
đông binh sỹ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ” trong cả nước để giúp
chiến sỹ trong mùa đông giá rét với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các
thành viên Chính phủ. Ngay tại buổi lễ, Người đã cởi chiếc áo len đang mặc để
tặng lại các binh sỹ.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ,
ngày 19/12/1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh
thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong
chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sỹ, nhất là những chiến sỹ bị thương
gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã
đưa ra những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sỹ, góp phần
ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sỹ.
Ngày 16/2/1947, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ
hưu bổng, thương tật và
tiền tuất tử sĩ". Đây là văn
bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh,
liệt sỹ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia
đình liệt sỹ.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt
Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục
Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa
phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sỹ và
thực hiện Chỉ thị Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày Thương binh -
Liệt sỹ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là
ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hằng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và
hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Đặc biệt, từ sau Chiến
thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn
đến công tác thương binh, liệt sỹ.
Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước
ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh -
Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho
chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất
đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng,
từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh -
Liệt sỹ” của cả nước.
2. Ý nghĩa
Ngày Thương binh - Liệt sỹ có ý nghĩa lịch
sử, chính trị, xã hội sâu sắc, đó là:
- Thể hiện sự tiếp nối truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”,
"uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân
tộc; thể hiện sự biết ơn, trân trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với
những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ
quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
- Khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia
đình liệt sỹ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp,
các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ
hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt
sỹ, thương binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân
dân.
- Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó phát huy
tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà
Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
II. Những kết quả đạt được trong công tác thương binh, liệt sỹ
và người có công với cách mạng 75 năm qua
1. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật,
chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người
có công với cách mạng
- Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh
ký ban hành ngày 16/2/1947 "Quy
định chế độ hưu bổng, thương tật và
tiền tuất tử sĩ" đến nay, những quan điểm cơ bản trong
tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sỹ đã được Đảng, Nhà nước ta
cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với thương binh, liệt sỹ,
người có công với cách mạng và hiện tại được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, thực
hiện thống nhất trong cả nước; từ đó góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp về chính
trị, kinh tế và xã hội, sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân và bản thân
người có công với cách mạng, nâng cao nhận thức của toàn xã hội cùng với Nhà
nước chăm lo cho người có công với cách mạng, phát huy truyền thống, đạo lý
"Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc trong
thời kỳ mới.
Các chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với thương binh,
liệt sỹ và người có công với cách mạng từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất
nước năm 1986 đến nay đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình
kinh tế - xã hội và ngày càng được mở rộng về đối tượng, bao phủ hầu hết các
mặt của đời sống, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người
hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người
hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh
quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994, Pháp
lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005; các Nghị định của Chính phủ
quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng[1],... Năm 2020, trên cơ sở tổng kết việc
thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11
và số 04/2012/UBTVQH13, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp
lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14) có hiệu
lực thi hành từ ngày 01/7/2021 với nhiều điểm mới, hướng tới nâng cao chế độ ưu
đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng đã tạo
điều kiện để người có công nỗ lực vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời
tạo môi trường thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực
vào công tác "Đền ơn đáp nghĩa".
Đến nay, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và
các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối
của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng qua các thời kỳ, đặc biệt Chỉ
thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, đã
tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công
với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng
đối tượng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định
thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối
với người có công, thân nhân người có công với cách mạng.
- Sau 75 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người
có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng đã được nghiên
cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất
nước trong từng thời kỳ. Theo đó các chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng
gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như:
hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo
việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn
kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế. Người có công tùy từng đối tượng có các
chính sách chăm sóc đặc thù như: Chính sách trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ
Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ
tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81%
trở lên sống ở gia đình… và được chăm sóc với nhiều hình thức đa dạng như tại
gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế và các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng
người có công với cách mạng.
Đối với mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, từ năm 1994 đến nay,
chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh gắn liền với việc
thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi
người có công, theo đó chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đã qua nhiều lần điều
chỉnh, từng bước khắc phục những hạn chế về mức, về nguyên tắc và phương thức
điều chỉnh độc lập với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với điều
kiện của ngân sách nhà nước, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống
của người có công. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi người có công năm
2012 là 1.110.000 đồng; từ năm 2019 đến nay mức chuẩn là 1.624.000 đồng (cao
hơn mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng của cán bộ, công chức hiện nay). Hiện nay
có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn
biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống Nhân dân, Chính phủ
đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ
trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg
ngày 24/4/2020 quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó
khăn do đại dịch Covid-19, tạo cơ sở để thực hiện triển khai chi trả hỗ trợ kịp
thời, đầy đủ cho 994.626 đối tượng thuộc lĩnh vực người có công với kinh phí
khoảng 1.483 tỷ đồng.
2. Công tác xác nhận, công nhận người có công với cách mạng
- Công tác xác nhận người có công với cách mạng được triển
khai chặt chẽ, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật; có sự
phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, huy động trách
nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đến nay, toàn quốc đã xác nhận được
trên 9,2 triệu người có công, trong đó:
+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: gần
9.000 người.
+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước
tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người.
+ Liệt sỹ: gần 1,2 triệu người; thân nhân liệt sỹ gần
500.000 người.
+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 139.000 người.
+ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động:
gần 1.300 người.
+ Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh:
gần 600.000 người.
+ Bệnh binh: gần 185.000 người.
+ Người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm
chất độc hóa học: gần 320.000 người.
+ Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch
bắt tù, đày: gần 111.000 người.
+ Người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người.
+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ
quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: gần 4,1 triệu người.
- Công tác rà soát, giải quyết các hồ sơ tồn đọng đã được
chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, bài bản, trong đó tập
trung vào các nội dung: Giải quyết hồ sơ tồn động, giải quyết chế độ cho các
trường hợp liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; hoàn
thiện hồ sơ xét tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng",
giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa hóa và con
đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trong các năm từ
2016 - 2021 đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ
quốc ghi công đối với hơn 4.200 liệt sỹ, cấp đổi lại hơn 90.000 bằng Tổ quốc
ghi công. Những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích rõ cho
đối tượng, tránh để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại.
3. Công tác chăm sóc đời sống gia đình thương binh, liệt sỹ, người
có công với cách mạng
Xác định công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và
người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để thể hiện
lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải
phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã
tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc
thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với nhiều hoạt
động cụ thể, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình.
Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021, số xã phường làm tốt
công tác thương binh - liệt sỹ liên tục tăng dần từ là 96,6% đến 99% (năm 2017
đạt 96,6%; năm 2018 đạt 98,11%, năm 2019 đạt 98,37%, năm 2020 đạt 98,7%, năm
2021 đạt 99%); chỉ tiêu mức sống của người có công với cách mạng có mức sống
bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú tăng dần từ 98% đến 98,6%
(năm 2017 đạt 98%; năm 2018 đạt 98,42%, năm 2019 đạt 98,63%, năm 2020 đạt 99%,
năm 2021 đạt 98,6%).
Việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà
ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng
Chính phủ đến nay đã được hoàn thành. Cả nước có tổng số 393.707 hộ người có
công cần hỗ trợ về nhà ở (gồm 184.695 hộ xây mới và 209.012 hộ sửa chữa) đã
được thẩm tra, cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 10.654 tỷ đồng.
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ
đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.600 sổ với tổng kinh
phí là hơn 113,7 tỷ đồng. Xây dựng mới hơn 36.400 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần
24.000 nhà tình nghĩa trị giá gần 2.140 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng
các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo
đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng, tính đến tháng
12/2021 cả nước có 3.736/139.882 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn
vị nhận phụng dưỡng. Dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày 27/7 hằng năm, ngoài quà của Chủ
tịch nước, ở tất cả các địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các
gia đình chính sách.
Bên cạnh đó, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh,
bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công đã vượt lên thương tật,
khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao
động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập,... góp phần bảo vệ và xây dựng
quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là những "Công dân kiểu
mẫu", là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo. Đến nay, chỉ
tiêu hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức
sống trung bình dân cư nơi cư trú đạt 98,6%.
4. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng, tu bổ
nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ; nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng,
điều dưỡng cho người có công với cách mạng
Xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là một
trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", là
trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, góp phần đáp ứng nguyện vọng của thân
nhân, gia đình liệt sỹ; thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị
đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Chỉ thị số
24-CT/TW, ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh
công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và những năm
tiếp theo", Quyết định số 1237/QĐ-TTg, ngày 27/7/2013 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ
nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày
14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xác định
hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Với việc triển khai quyết liệt, đồng
bộ các giải pháp, công tác này đã được thực hiện toàn diện, hoàn thành cơ bản
các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
- Nhà nước đầu tư nâng cấp các trung tâm giám định ADN của
các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ; xây
dựng Trung tâm lưu giữ nguồn gen đã được giám định để phục vụ cho công tác xác
định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; điều tra, thu thập thông tin về liệt
sĩ, hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sỹ còn thiếu thông tin, mộ liệt sỹ còn
thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sỹ; xây dựng phần mềm quản lý và cơ
sở dữ liệu thông tin liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt
sỹ; cổng thông tin điện tử về mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ.
- Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quản lý chặt
chẽ địa bàn; tổ chức đón nhận, bàn giao, truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ
trang nghiêm, trọng thị, chu đáo; công bố, trả kết quả xác định danh tính hài
cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin đúng quy định.
- Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm
liệt sỹ được các cấp, các ngành chú trọng và đã đạt được những kết
quả cụ thể. Hiện nay, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên
3.000 các công trình ghi công liệt sĩ. Hàng năm, ở Trung ương và địa phương đều
bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi
danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu
cầu của nhân dân về việc tôn vinh, thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ,
có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.
- Công tác quy hoạch, đầu tư, nâng cấp các cơ sở nuôi
dưỡng, điều dưỡng cho người có công ngày càng được chú trọng. Hiện nay, Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy
hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách
mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu hình thành hệ thống
cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có
công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn
diện cả về thể chất và tinh thần.
III. Công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với
cách mạng trong giai đoạn hiện nay
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
khẳng định trong những năm tới, tiếp tục: “Thực hiện tốt chính sách xã hội,
bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ
trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao
chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân...”. Để phát huy được
những kết quả, thành tích đã đạt được trong suốt 75 năm qua, đồng thời tiếp tục
đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có
công với cách mạng, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một
số nhiệm vụ giải pháp sau:
- Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người
có công trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nâng cao nhận thức về việc thực
hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng,
trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm
thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản
chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Từ đó, biến nhận thức
thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt
chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào
"Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh,
liệt sỹ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên
trong mọi mặt của đời sống xã hội.
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia
đình liệt sỹ, người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình người có
công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi
nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu,
vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công
thuộc diện hộ nghèo.
- Tiếp tục làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt
sỹ, công trình ghi công liệt sỹ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sỹ,
quy tập hài cốt liệt sỹ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân
nhân liệt sỹ đến thăm viếng.
- Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
đối với công tác người có công với cách mạng. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ
thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công, đặc biệt chú trọng giải quyết
các vướng mắc, tồn tại phát sinh liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho
phù hợp với sự phát triển của đất nước. Quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác
nhận người có công còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những
người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng
và Nhà nước.
- Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phối hợp
hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công
tác người có công với cách mạng; chú trọng các biện pháp nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như ý thức, trách nhiệm của những người làm công
tác này.
- Thúc đẩy cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn
viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia có trách nhiệm đối
với công tác người có công và phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình
thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền
ơn đáp nghĩa". Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh
binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt
khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu
nước…
- Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến,
biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong
các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia
đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng", chung sức giúp
đỡ các gia đình người có công khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống./.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG